Người Hy Lạp thích học hỏi và yêu văn hóa văn nghệ, nên chẳng lạ gì khi họ biến “nàng thơ” thành thần thành tiên, cụ thể là 9 nàng. Hồi đó một số nghề nghiệp chưa được quy vào mục “nghệ thuật” (như điêu khắc hay hội họa) nên 9 nàng này không gói gọn được hết các ngành nghệ thuật hiện nay. Chữ Museum (bảo tàng) trong tiếng Anh, được lấy từ Muse (nàng thơ); Museum có nghĩa gốc: Nhà của các nàng thơ. Người Hy Lạp nghĩ rằng bảo tàng là nơi dành cho việc học tập các môn nghệ thuật, nên lấy tên phù hợp quá phải không?
Các nghệ sĩ thời Hy Lạp cổ tin rằng, 9 nàng thơ chủ yếu sống trên đỉnh Olympia, ngày đêm mua vui cho 12 vị thần tối cao; nhưng lâu lâu 9 nàng cũng xuống trần thế, lựa một nghệ sĩ nào đó họ khoái và truyền cảm hứng cho nghệ sĩ này. Bởi vậy nên các nghệ sĩ thường nêu tên nàng thơ mình đã “gặp” trước khi biểu diễn. Tỷ như “Hôm trước tôi gặp Calliope”.
Nghề của 9 nàng thơ
Calliope: Thơ hùng biện, biểu tượng là bàn viết (một miếng gỗ được phủ sáp, dùng để kẹp tờ giấy vào viết, giống như một chiếc bàn di động). Thơ hùng biện cũng là tích, nhưng được Homer, Hesiod, Ovid v.v… viết theo cấu trúc thơ chứ không phải truyện. Cũng vì vậy mà dịch rất khó và đọc cũng khó, với vế sau cụt lủn, không thấy chủ từ đâu hết; chúng ta nên thông cảm cho những họa sĩ vẽ lộn tích; đừng nói tới bản khác của các nhà thơ khác nhau, chỉ bản dịch của một ông thôi mà cũng có lắm ý kiến.
Tác phầm “Cảm hứng của một nhà thơ”, Nicolas Poussin, 1630. Nhiều chuyên gia tin rằng nhà thơ mà Poussin vẽ trong bức tranh chính là Virgil (đang cởi trần), anh được Calliope tới thăm để truyền cảm hứng, nhờ vậy mà Virgil mới viết được tích.
Clio: Lịch sử, biểu tượng là cuộn giấy. Người Hy Lạp xưa cho rằng viết lịch sử cũng là một dạng nghệ thuật, nên nhiều ông như Herodotus viết nửa sử nửa tích, làm nhiều người đến giờ vẫn còn mò mẫm xem sự kiện nào thật sự kiện nào các ông bịa ra.
Tác phẩm “Clio”, Pierre Mignard, 1689. Clio có biểu tượng là cuộn giấy, nhưng hay bị các họa sĩ cho cầm sách. Ông Pierre này còn vẽ thêm cái kèn, không hiểu nổi. chắc là để phân biệt với Athena uyên bác (cũng hay đọc sách) chăng?
Erato: Thơ tình (lẫn thơ có nội dung sexy, gợi dục), biểu tượng là đàn Cithara (giống đàn lia). Cupid thường đi theo nàng này. Những anh hay gảy đàn ngâm thơ, trồng cây si trước nhà người yêu nên cảm ơn (hoặc trách) Erato đã để ý tới mình.
Tác phẩm “Nàng thơ Erato”, Boucher, thế kỷ 19. Ông này chắc do không biết mặt mũi cây đàn Cithara trông ra sao nên vẽ đàn lia thế vô. Nhưng nhờ cầm đàn mà không lộn nàng này với Venus – người cũng có Cupid đi theo. Chữ Erotic (gợi dục) của tiếng Anh có gốc từ đây.
Đàn Cithara trông như vầy đây. Bức tượng này là bản La Mã copy từ tượng gốc của Hy Lạp, có niên đại khoảng thế kỷ thứ 2 Công Nguyên. Nó hiện nằm tại bảo tàng Garlsberg Glyptotek.
Euterpe: Nhạc và thơ vần (giống lời bài hát), biểu tượng: sáo.
Bức “Nàng thơ Euterpe”, Laurent de la Hyre, 1649. Biểu tượng “sáo” nghe đơn giản chứ hay bị vẽ sai bét. Lý do là vì: hồi đó, mấy nhạc cụ được viết theo tiếng Hy Lạp cổ, rất khó dịch; mà “sáo” của Hy Lạp cũng lắm loại. Loại của Euterpe được gọi là Aulos, nghe thì không biết là cái gì, nên các họa sĩ cứ thấy dụng cụ nào có vẻ nhạc nhẽo là tống vô tranh. Ông Laurent cho Euterpe cầm dụng cụ gì trông mang máng đàn gi-ta.
Chính xác thì Aulos là một dạng sáo đôi, có tới 2 ống thay vì 1. Đây là bức vẽ Euterpe trên chiếc hộp bằng đá hoa cương, có niên đại từ thế kỷ thứ 5 trước Công Nguyên. Chiếc hộp hiện nằm tại Bảo tàng Fine Arts ở Boston
Melpomene: Bi kịch, thường được diễn tại nhà hát, biểu tượng là mặt nạ khóc.
Bức tượng Melpomene tại bảo tàng Carlsberg Glyptothek này là bản La Mã copy, có niên đại từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên. Biểu tượng của nàng Melpomene thì ít khi sai.
Thalia: Hài kịch, cũng được diễn tại nhà hát, biểu tượng là mặt nạ cười. Hồi đấy chỉ có hai thể loại hài và bi (sau có hành động, kinh dị, ma v.v… được?) nên cho đến ngày nay mặt nạ cười kèm mặt nạ khóc vẫn là biểu tượng của nhà hát; điều này bắt nguồn từ Hy Lạp cổ.
Tác phẩm “Thalia”, Jean Marc Nattier, 1739. Thalia dường như đang kéo một tấm rèm sân khấu.
Polyhymnia (hoặc Polymnia): Dân ca. Biểu tượng là khăn voan. Chắc vì nàng này gắn với truyền thống nên phải có khăn quấn người để tỏ vẻ e thẹn, nề nếp? (Hy Lạp không quấn mặt, vì chẳng phải đạo Hồi).
Tác phẩm “Polyhymnia”, Simon Vouet, thế kỷ 17. Nàng này đoan chính, truyền thống, nên ít khỏa thân hơn các nàng còn lại.
Terpsichore: Múa, biểu tượng là đàn lia, nhưng nàng này không nhảy nhót gì, mà gảy đàn cho người khác nhảy.
Nhiều người bảo đây là bức “Terpsichore” của Boucher, nhưng cũng có ý kiến cho rằng đây là Erato vì có ai như Cupid kè bên. Nhưng nàng nào thì dụng cụ cũng sai bét. Đàn lia chứ có phải trống xẻng đâu.
Tác phẩm “Terpsichore” của Jean Marc Nattier, vẽ năm 1739, thì dụng cụ đúng là đàn lia
Urania: Thiên văn, biểu tượng là quả địa cầu và com-pa. Cho cái môn “khoa học” vào đây thì hơi lạc đề; nhưng người Hy Lạp xưa tin rằng thần thánh là sao trên trời (Như Zeus: sao Mộc, Poseidon: sao Hải Vương, Artemis: mặt trăng v.v…) từ đó mới có tích, nên nghiên cứu sao giống như nghiên cứu thần. Bởi vậy thiên văn được nằm trong danh sách này.
Tác phẩm “Nàng thơ Urania”, Johann Heinrich Tischbein, 1782. Ngoài com-pa và quả địa cầu, Johann còn gắn sao lên tóc nàng này cho nó ton-sur-ton.
Vậy mấy nàng này là con ai?
Theo đa số – trong đó có Homer, Hesiod, Apollodorus; thì 9 nàng là con của Zeus với thần trí nhớ Mnemosyne; số nhỏ hơn như Pausanias hay Hyginus thì phán rằng 9 nàng là con của Apollo với ai đó tên Plusia, hoặc con của Athena với Zeus. Nhưng Athena thề sẽ làm trinh nữ và loạn luân kiểu này nghe quá tởm, nên ít ai tin 9 nàng là con của Athena. Đa số công nhận họ là con của Zeus với Mnemosyne, nhưng nằm dưới sự “tài trợ” của Apollo hay Athena.
Tác phẩm “Apollo và các nàng thơ”, Nicolas Poussin, 1594. Poussin vẽ cảnh các văn nghệ sĩ đến tìm Apollo để nhờ Apollo nói các nàng thơ truyền cảm hứng cho mình. Trong 9 nàng thì chỉ nhận ra được vài nàng. Thalia đang giơ mặt nạ cười lên cao, Melpomene cầm mặt nạ khóc, Erato đang khoả thân chăng? (thơ tình mà), nàng cầm kèn thì không biết là ai, còn lại cũng chẳng biết nốt
Bức “Apollo và các nàng thơ trên đỉnh Helicon”, Claude Lorrain, 1680. Claude dường như mượn tích để vẽ tranh phong cảnh. Căng mắt ra thì thấy được Calliope cầm bàn viết, và Terpsichore cầm đàn lia. Có 2 nàng cầm mặt nạ nhưng xa như vậy thì chẳng biết cái nào khóc cái nào cười.
Cũng có ý kiến cho rằng Athena tài trợ 9 nàng thơ nên họa sĩ cũng vẽ cảnh Athena và 9 nàng, hoặc Athena đến thăm Apollo để gặp các nàng thơ này. Đây là bức “Athena ghé thăm Apollo”, Arnold Houbraken, 1703. Athena mặc áo giáp còn Apollo có vầng hào quang trên đầu. Euterpe đang thổi sáo, cô cầm đàn hạc thì không rõ là cô nào? Rồi cô cầm trống cũng lạc đề
Tác phẩm “Athena và các nàng thơ” này cũng lạc đề không kém. Ngoài Athena mặc áo giáp vàng, còn lại thì ai là ai cũng chẳng rõ. Người thì chơi piano, người gảy đàn tì bà. Có 2 cậu bé trông giống Cupid, một cậu cầm sách (có nghĩa Clio hay Calliope đứng gần đó chăng?), một cậu cầm máy ảnh (?), đúng là loạn.
Tác phẩm “Athena và 9 nàng thơ”, Stella Jacques, 1640. Athena (đội mũ) trông hơi giống đàn ông. Bên trái, nàng Calliope đang cầm bàn viết; cạnh đó, Terpsichore ôm cây đàn lia (hoặc Erato ôm Cithara nhưng bị vẽ thành đàn lia, vì đàn lia thường không to thế). Melpomene đang ngồi quay lưng ở giữa, mặt nạ khóc ngay cạnh chân. Cô đang trùm khăn là Polyhymnia. Clio đang viết sử lên giấy, và trò chuyện với Thalia (cầm mặt nạ, vì khóc đã có nên đây đích thị là cười rồi). Urania đang chỉ tay vào quả địa cầu, nói chuyện với Euterpe (cầm sáo). Nàng còn lại, hoặc là Erato, hoặc là Terpsichore.